TRUYỀN THỐNG NHÀ TRƯỜNG

TRUYỀN THỐNG NHÀ TRƯỜNG

Nằm ven bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp, nơi có mái trường mang tên người nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai. Đó là ngôi Trường TH&THCS Minh Khai. Mái trường đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử được hình thành, tồn tại, phát triển vững mạnh gắn liền với sứ mệnh của ngành, của địa phương giao phó, đó là sự nghiệp trồng người. Được mang tên người nữ anh hùng lệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai là niềm tự hào của biết bao thế hệ lãnh đạo, thầy giáo, cô giáo và học trò Trường TH&THCS Minh Khai.

Chúng ta hãy cùng ôn lại vài nét về cuộc đời, sự nghiệp của Người nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai. Bà tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 01 tháng 11 năm 1910 tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Cha của bà Vịnh là ông Nguyễn Huy Bình, người làng Mọc (Nhân Chính, Hà Nội), làm công chức hỏa xa ở Vinh, thường gọi là Hàn Bình. Mẹ là Đậu Thị Thư, quê Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm nghề buôn bán nhỏ. Trước năm 1940, gia đình bà sống tại 132 phố Maréchal Foch (nay là phố Quang Trung), Vinh. Về sau, gia đình bà về sống ở quê mẹ là xã Đức Tùng, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1919, bà bắt đầu học chữ Quốc ngữ rồi vào trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Năm 1927, bà tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, sau đó được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ.

Năm 1930, bà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, bà sang Hương Cảng làm thư ký cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản.

Năm 1931, bà bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Năm 1934, bà ra tù và được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva.

Năm 1936, bà được cử về nước truyền đạt chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và được cử vào Xứ ủy Nam kỳ, giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936-1939 ở Sài Gòn. Thời gian này, bà lấy bí danh là Năm Bắc.

Ngày 30 tháng 7 năm 1940, bà bị bắt ngay sau phiên họp của xứ ủy Nam kỳ về

phổ biến chủ trương khởi nghĩa và bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Tuy nhiên, bà vẫn liên lạc với bên ngoài và vẫn tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh.

Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bà bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn ngày 28 tháng 8 năm 1941.

Trường TH&THCS Minh Khai thật vinh dự và tự hào được mang tên vị nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai, tiền thân là Trường cấp 1-2 Minh Khai, được thành lập vào đầu những năm 70, giữa lúc công cuộc xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ở miền Bắc đang đạt được những thành tựu to lớn, niềm tin của người dân vào Đảng, vào Bác Hồ, sự náo nức thi đua trong từng ngành nghề sản xuất, khao khát chiếm lĩnh tri thức nhân loại để sớm đưa Việt Nam thành “cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đang lên cao. Trong quá trình phát triển có thời kỳ trường được đổi tên là Trường phổ thông cơ sở Minh Khai. Tháng 1 năm 2011 theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, Trường phổ thông cơ sở Minh Khai chính thức được đổi tên thành trường TH&THCS Minh Khai.

Trường TH&THCS Minh Khai được xây dựng mới năm 2008 với tổng diện tích  8.308,7 m2 thuộc địa bàn phường Hà Phong thành phố Hạ Long (gồm 2 cơ sở: Cơ sở 1 với diện tích 6.617,9 m2; Cơ sở 2 với diện tích 1.690,8 m2). Trường Minh Khai gồm một khu hiệu bộ 2 tầng, khu phòng học 3 tầng khối THCS, khu phòng học 4 tầng khối TH, phòng thư viện, phòng thực hành dạy nghề nấu ăn, nhà để xe,  hai khu vệ sinh cấp I, cấp II, sân thể chất…

Cơ sở vật chất thiết bị dạy học của trường được đầu tư theo hướng hiện đại hoá và chuẩn hoá. Hiện nay trường TH&THCS Minh Khai là một trong các trường đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy, các hoạt đông  dạy và học luôn đi cùng sự phát triển, đổi mới các phương pháp giảng dạy như: dạy học tích hợp kiến thức liên môn, theo chủ đề, sáng tạo STEM…

Sau nhiều năm phấn đấu thi đua thầy dạy tốt trò học tốt, Năm 2012 trường được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2012-2017. Năm 2015 đạt kiểm định chất lượng mức độ III.

Các thế hệ giáo viên và học sinh trưởng thành từ nơi đây hẳn sẽ không thể quên những tên tuổi của các thầy cô giáo đó từng gắn bó với sự nghiệp giáo dục của nhà trường từ những ngày đầu. Đó là các thầy cô hiệu trưởng: thầy Đỗ Phụng,thầy  Ngô Duy Sầm, thầy Đào Văn Thành, thầy Đào Đình Thành thầy Đoàn Văn Thành, thầy Đinh Văn Đào, cô Bùi Thị Hạnh Phương và nay, cô Nguyễn Thị Thái là Hiệu trưởng của trường. Thầy, cô giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng cô Phạm Thị Thu, cô Lê Thị Lập, cô Vũ Thị Hải; thầy Nguyễn Văn Duyệt. cô Đàm Thị Thanh Tâm; cô Bùi Thị Hạnh Phương, cô Vũ Thị Luyến, cô Trần Thị Nghĩa cô Lê Thị Xuân Hương; và nay là thầy Phạm Tiến Dũng, cô Phạm Mai Khanh giữ chức Phó Hiệu trưởng của trường.

Trường TH&THCS Minh Khai là chiếc nôi của rất nhiều thế hệ thầy cô giáo đã phấn đấu đạt những danh hiệu, những thành tích cao quí trong công tác dạy và học. Từng gương mặt, tên tuổi của các thầy, cô là biểu trưng cho những tấm gương và sự cố gắng, nỗ lực không ngừng để đóng góp vào thành tích chung của nhà trường. Hàng năm các thầy, cô giáo đã mang về cho nhà trường các giải thưởng cao quý như danh hiệu Giáo viên giỏi cấp thành phố, Cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đó là các thầy cô giáo: Bùi Thị Nụ, Nguyễn Thị Thúy, Trương Thanh Tảng, Lê Thị Phượng, Bùi Thị Thư, Nguyễn Thị Minh, Vũ Thị Dậu, Trần Thị Nghĩa, Phạm Thị Vượng, Nguyễn Thị Bình, Lưu Thị Hoa, Phạm Thị Oanh, Phạm Mai Phương, Phạm Thị Thái, Lê Thị Thanh Phương, Nguyễn Thị Tú Oanh, Vũ Thị Thanh Thủy, Võ Ngọc Hân, Tạ Hữu Ninh, Nguyễn Hồng Điệp, Vũ Thị Thu Hằng, Đinh Thị Hồng Tỉnh, Phùng Kim Huệ, Cao Thị Thanh Mai, Phạm Thị Trang, Đinh Thị Phương Nhi, Trịnh Thị Phương Lan, Vũ Thị Thu Hà, Trần Thị Ninh, Trương Xuân Hiền, Đinh Ngọc Trung, Ngô Thị Hảo, Vũ Thị Lan Chi, Vũ Thị Thủy, Bùi Thị Thu Hương, Hoàng Thị Hằng …

Kế tục sự nghiệp giáo dục hôm nay có rất nhiều các thầy cô giáo trước đây từng là học sinh của trường thân yêu này, đó là các thầy cô Trương Thị Xuân Hiền, Nguyễn Thị Thu Hiền, Bùi Thị Nguyệt, Phạm Tiến Dũng, Phạm Thị Trang, Nguyễn Thị Ngọc, Bùi Thị Phương, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Tăng Thị Thu Hằng, Tô Hải Lệ… nguyên là những học sinh ưu tú của nhà trường. Các cô đã, đang và sẽ tiếp nối sự nghiệp trồng người, góp phần tạo nên những thế hệ học trò xuất sắc cho các nhà trường, để rồi mai đây các em sẽ lại trở về xây dựng quê hương Quảng Ninh giàu đẹp.

Cùng với thành tích của các thầy cô giáo, nối tiếp truyền thống hiếu học của các thế hệ học sinh đi trước, thế hệ học sinh ngày nay đã đóng góp một phần không nhỏ bằng các danh hiệu học sinh giỏi các bộ môn văn hóa và giải toán, Tiếng Anh qua mạng các cấp. Đó là các em: Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Thị Huyền Trang, Ngô Lê Phương Tâm, Trương Văn Minh Trung, Bùi Thu Hương, Ngô Thu Trang, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Mai Vân, Vũ Cẩm Anh, Phạm Thùy Linh, Trần Trúc Phương, Mạc Thị Thu Thảo, Tạ Phương Anh, Nguyễn Xuân Hiếu…

Nhà trường cũng luôn nhận được những tình cảm giúp đỡ của các đơn vị kết nghĩa như Hải đội 135 – Lữ đoàn 170 Hải quân nhân dân Việt Nam, Phòng tham mưu bộ đội Biên phòng tỉnh, công ty Than Hà tu là những đơn vị kết nghĩa thường xuyên quan tâm, động viên khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, đồng thời luôn quan tâm tới cán bộ giáo viên trong dịp lễ tết, ngoài ra vai trò của hội cha mẹ học sinh cũng đóng góp đắc lực cho công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường tiêu biểu là các bác trưởng ban đại diện CMHS Lưu Mạnh Cường.

Nhà trường đã thường xuyên coi trọng việc kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các tổ chức, trước hết là cấp ủy và Ban giám hiệu nhà trường. Chi uỷ, Chi bộ nhà trường đã thường xuyên được củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, trung tâm đoàn kết của toàn trường, số lượng đảng viên của chi bộ đã không ngừng được nâng lên đến nay đã là 22 đồng chí. Các tổ chức quần chúng như chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên, Liên đội nhà trường luôn được củng cố xây dựng vững mạnh, hoạt động đúng chức năng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng toàn diện của nhà trường.

Ban chấp hành Đoàn, Đội nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa có hiệu quả giáo dục cao: Thăm viếng, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ Hà Tu, dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Vũ Văn Hiếu; thăm hỏi gia đình liệt sĩ và các cựu chiến binh ở địa phương; phát động phong trào “Áo lụa tặng bà” và “Áo ấm mùa đông”, Chấp hành tốt ATGT…được Hội đồng thành phố đánh giá cao, bởi đó là một trong những phong trào tiêu biểu thể hiện đạo lí của dân tộc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *